Thursday, December 29, 2005

Du lich gia re di Thai lan , Singapore va Malaysia



Du lịch giá rẻ đi Thái Lan, Singapore và Malaysia

23:24:21, 22/12/2005Lê Công Sơn
Từ 15/12/2005 đến 31/12/2006, Vietnam Airlines tổ chức chương trình du lịch giá rẻ "Free & Easy" kéo dài suốt một năm dành cho du khách đi các nước Thái Lan, Singapore và Malaysia. Nhiều bạn đọc quan tâm, muốn tìm hiểu cụ thể hơn về chương trình này. PV Thanh Niên đã trao đổi với ông Dương Chí Thành - Giám đốc Văn phòng khu vực miền Nam của Vietnam Airlines, và ông Lư Quốc Thiện - Đội phó Phòng Phát triển bán (Văn phòng khu vực miền Nam).
- Ông Dương Chí Thành: Vietnam Airlines hiện có mạng bay lớn, gồm 27 điểm đến quốc tế và 16 điểm đến nội địa với một đội bay trẻ nhất khu vực, gồm 39 máy bay, trong đó có 10 chiếc Boeing 777 (ảnh) và đã ký hợp đồng mua thêm 10 máy bay Airbus 321, 4 chiếc Boeing 787. Với "nội lực" mạnh như vậy, chúng tôi thường xuyên nghiên cứu tổ chức các tour nước ngoài giá rẻ mà đầu tiên là 3 nước lân cận: Thái Lan, Singapore và Malaysia nhằm đáp ứng nhu cầu của mọi người. Từ chương trình này, thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục mở thêm các chuyến bay giá rẻ tới các điểm đến của Vietnam Airlines tại châu Á, châu Úc, châu Âu... Nếu như trước đây khách đi một mình hoặc nhóm 2 - 3 người phải tự mua vé, đặt khách sạn... thì bây giờ được chúng tôi lo hết. Ngay cả xe đưa đi, về từ sân bay, Vietnam Airlines cũng phục vụ chu đáo. Sở dĩ có mức giá khá mềm trên là do Vietnam Airlines đứng ra làm hợp đồng với phía đối tác nên họ rất ưu đãi, trong khi khách đi lẻ không dễ gì có được. Tiện ích của sản phẩm "Free & Easy" là khách hàng được đảm bảo tiết kiệm chi phí, thời gian, được chủ động trong việc lựa chọn dịch vụ, lịch trình, khách sạn (có khoảng 15 khách sạn ở mỗi nước). Đặc biệt là an tâm, thoải mái trong lần ra nước ngoài đầu tiên, nếu có phát sinh đều nhận được hỗ trợ tích cực từ phía đối tác của Vietnam Airlines tại nước ngoài.
- Ông Lư Quốc Thiện: Giá vé của chương trình "Free & Easy" hạng phổ thông từ Hà Nội đi Bangkok là 199 USD, đi Singapore hoặc Kuala Lumpur là 209 USD, từ TP.HCM - Bangkok là 229 USD, đi Singapore hoặc Kuala Lumpur là 239 USD. Hạng thương gia có mức giá cao hơn một chút. Tuy nhiên, nên lưu ý, mức giá này chúng tôi dành cho 2 người trở lên. Nếu khách có nhu cầu cần lưu trú thêm tại nước sở tại, chúng tôi cũng sẽ bố trí để khách được ở lại khách sạn với mức giá ưu đãi. Hiện nay, những phòng vé của Vietnam Airlines và các đại lý được chọn tham dự chương trình chúng tôi có thiết lập một bộ phận phụ trách riêng, sẵn sàng tư vấn đầy đủ cho du khách, đảm bảo khi nhận vé xong, khách hàng hoàn toàn yên tâm vì tất cả đã được thể hiện rất chi tiết về lịch trình chuyến đi, chỗ ăn nghỉ cũng như việc đưa đón.
Lê Công Sơn

Doc theo con duong di san mien Trung (ky 1)



Dọc theo Con đường di sản miền Trung (kỳ 1)
22:58:00, 05/12/2005

Mỹ Sơn trầm mặc và kiêu hãnh

"Con đường di sản miền Trung" là cụm từ mà ngành văn hóa và du lịch dùng để gọi các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể vô giá của nước ta được Tổ chức UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới: vùng hang động Phong Nha - Kẻ Bàng (tỉnh Quảng Bình), cố đô Huế, nhã nhạc cung đình Huế (tỉnh Thừa Thiên - Huế), phố cổ Hội An và khu tháp cổ Mỹ Sơn (tỉnh Quảng Nam). Tính ra, các tỉnh miền Trung này đã có tới 5/6 di sản văn hóa thế giới của cả nước...
Đất thiêng Mỹ Sơn
Huyện Duy Xuyên nằm ở phía bắc tỉnh Quảng Nam, nơi có con sông Thu Bồn thơ mộng, suốt cả hai bờ sông là những ruộng lúa, nương dâu xanh tốt. Người xưa từng ca ngợi: "Duy Xuyên tơ lụa mỹ miều; ban mai cửi mắc, ban chiều tơ giăng". Tuy nhiên, hình ảnh đặc trưng nhất của Duy Xuyên lại là những ngọn tháp Chăm trầm mặc mà kiêu hãnh nằm khuất giữa thung lũng Mỹ Sơn thuộc xã Duy Phú, cách huyện lỵ 30 km về phía tây bắc. Năm 1898, một nhà khoa học người Pháp tên là M.C.Paris đã phát hiện và công bố khu tháp cổ linh thiêng này. Không kỳ vĩ, đồ sộ như Ăngko Vát, Ăngko Thom (Campuchia), Bôrôbuđua (Indonesia), Pangan (Myanmar), Kim tự tháp (Ai Cập)... nhưng 30 đền, tháp còn lại trong số hơn 70 đền, tháp và một số lượng lớn bia ký ở Mỹ Sơn có niên đại xây dựng liên tục từ thế kỷ thứ IV đến thế kỷ thứ VIII cũng quá đủ làm nên một bảo tàng kiến trúc và điêu khắc ngoài trời vô giá về nền văn hóa Chămpa. Trong số 225 đền, tháp Chăm phân bổ chủ yếu ở 20 điểm từ Thừa Thiên - Huế đến Bình Thuận và một ít ở Tây Nguyên, Mỹ Sơn có 71 cá thể. Nghệ thuật xây dựng, chạm khắc, quan niệm của người Chăm xưa về vũ trụ, các đấng thần linh, về con người... đã đem đến cho khu đền tháp này một vẻ đẹp kỳ bí có một không hai ở Đông Nam Á.
Điều bí ẩn nữa của tháp Chăm Mỹ Sơn là nghệ thuật chạm khắc trên gạch đến độ tinh tế, mỏng manh và rõ nét, nhẹ nhàng mà tài hoa, chạm khắc trên gạch mà hơn cả dùng bút vẽ lên giấy.
Tháp Chăm được xây dựng để thờ các vị thần Ấn Độ giáo, trước hết là thần Siva. Các khu đền tháp có bố cục hướng tâm, các trục quay ra 4 hướng, mặt tiền và cửa chính ngoảnh về hướng Đông - hướng mặt trời mọc, nguồn gốc của sự sống. Người đầu tiên lập ra khu đền tháp Mỹ Sơn vào thế kỷ thứ IV sau Công nguyên là Vua Bhadravarman 1. Trải qua thiên tai, thời gian, chiến tranh, nhất là những đợt ném bom rải thảm của pháo đài bay B52 Mỹ trước năm 1970, khu đền tháp Mỹ Sơn bị tàn phá nặng nề. Năm 1977 tức 2 năm sau ngày đất nước hòa bình, thống nhất còn có thêm 17 chiến sĩ công binh đã hy sinh hoặc bị thương khi rà phá bom mìn ở nơi này. Ngày 4.12.1999, Mỹ Sơn được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới.
Khai thác tiềm năng du lịch
Đi qua hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ khốc liệt, huyện Duy Xuyên được Đảng và Nhà nước 2 lần phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, 13 trong số 14 xã, thị trấn được phong danh hiệu này, một số xã được phong tặng 2 lần, 3 lần Anh hùng. Huyện có gần 10.000 liệt sĩ, 3.000 thương binh, 840 mẹ Việt Nam anh hùng.
30 năm sau ngày giải phóng, với nhiều nỗ lực và quyết tâm, Duy Xuyên trở thành một trong những huyện kinh tế khá nhất của tỉnh Quảng Nam. Từ huyện sản xuất nông-lâm-ngư nghiệp là chủ yếu, đến năm 2005, cơ cấu kinh tế của huyện là: dịch vụ-du lịch 35%, công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp 33%, nông-lâm-ngư nghiệp 32%. Một huyện cả ngàn năm thuần nông đang quyết tâm đưa dịch vụ-du lịch thành ngành kinh tế hàng đầu quả là rất đáng khâm phục.
Anh Nguyễn Công Hường - Giám đốc Khu di tích Mỹ Sơn cho biết, được tỉnh giao cho quản lý, khai thác Mỹ Sơn (từ năm 1996), tập thể cán bộ, nhân viên ở đây đã lăn lộn dưới mưa rừng, thác lũ để nghiên cứu, sưu tầm, lập hồ sơ, tiến hành các bước thủ tục trình UNESCO công nhận Mỹ Sơn là Di sản văn hóa thế giới. Và khi di tích vinh dự được đón nhận danh hiệu này, trách nhiệm của các anh càng nặng nề hơn. Một mặt, phải tranh thủ sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế và trong nước về kinh tế, về kinh nghiệm để chống xuống cấp cho di tích, tiến hành khảo cổ và trùng tu các tòa tháp, đền đài, mặt khác phải lập lại trật tự buôn bán, dịch vụ của người dân trong và ngoài khu di tích. Huyện và Ban quản lý khu di tích đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, giải thích cho người dân, đưa những người đến đây kiếm ăn tự do trở lại quê cũ, hỗ trợ vốn xóa đói giảm nghèo để một số hộ chuyển nghề, giao đất giao rừng lâu dài cho người dân bảo vệ, chăm sóc. Việc lập lại trật tự buổi đầu thật lắm gian nan. Ở Mỹ Sơn trước năm 2000 đã từng xảy ra nhiều chuyện đáng buồn: Di tích bị xâm hại, cổ vật bị đào bới, bị mua bán trái phép; khách du lịch (chủ yếu khách quốc tế) đến đây đều bị "chém đẹp" - từ đi xe ôm, qua phà, mua hàng đến giải khát, ăn uống. Rất nhiều ô tô, xe máy của khách bị tháo đồ, đổi phụ tùng, hút xăng, xẹp lốp... Đã có một cuộc chiến đấu của lòng tự trọng, của văn hóa, của đất anh hùng Duy Xuyên quyết tâm rũ sạch những tệ nạn này. Cấp ủy, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể từ huyện đến xã, xóm vào cuộc. Dựa vào quy hoạch, kế hoạch phát triển du lịch của huyện, của khu di tích mà tổ chức các loại hình, các hoạt động du lịch; xây dựng quy chế quản lý, khai thác giữa Khu di tích và xã Duy Phú, Duy Hòa, Duy Tân; gắn lợi ích của Nhà nước, tập thể và người dân; lấy lực lượng thanh thiếu niên làm xung kích trong công tác bảo vệ di tích, danh thắng. Khi cảnh quan, môi trường đã thực sự trong lành, người dân có được cung cách làm du lịch bằng văn hóa, huyện Duy Xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, thu hút thêm du khách. Một huyện "nhà quê" mà dám mở 2 cuộc triển lãm có quy mô lớn về di sản văn hóa và tiềm năng du lịch của mình ở thủ đô Hà Nội và TP.HCM; phối hợp cùng ngành văn hóa - thông tin của tỉnh ra các đầu sách Thánh địa Mỹ Sơn, Bà chúa tằm tang xứ Quảng, Di tích Chăm ở Quảng Nam, Duy Xuyên - tiềm năng văn hóa và du lịch, sản xuất các băng đĩa hình, đĩa nhạc, bản đồ, tờ gấp phục vụ du khách.
Từ năm 2001 đến nay, bình quân mỗi năm Di sản thế giới Mỹ Sơn đón 200.000 lượt khách du lịch, 70% là khách quốc tế, ngày cao điểm lên tới 500 - 600 lượt khách và xu hướng còn tăng cao hơn nữa. Gần đây, các nhà khảo cổ học tiếp tục có những phát hiện quan trọng về Mỹ Sơn: một hệ thống đền đài, tháp cổ nằm sâu trong lòng đất đang lộ dần về một Mỹ Sơn xa xưa, kỳ bí hơn, chắc chắn sẽ hấp dẫn du khách hơn.
Nằm trên con đường Di sản miền Trung, Mỹ Sơn nói riêng, Duy Xuyên nói chung đang hấp dẫn, vẫy gọi du khách từ tầng sâu văn hóa hàng ngàn năm trước và cả nội lực nhiều chiều, nhiều mới mẻ của hôm nay.

Nguyễn Thế Kỷ

Doc theo con duong di san mien Trung (ky 2)



Dọc theo Con đường di sản miền Trung (kỳ 2)
21:54:00, 06/12/2005


Phố cổ Hội An
Hội An - Lịch lãm và quyến rũ


Hội An, theo quan niệm của người xưa là nơi hội tụ của sự yên vui, may mắn. Còn bây giờ, cùng với những phẩm chất đã có, Hội An còn là Di sản văn hóa thế giới với đầy đủ ba yếu tố cơ bản nhất: thiên thời, địa lợi, nhân hòa.
Nằm trên Con đường di sản miền Trung, đô thị cổ này cách Thánh địa Mỹ Sơn chừng 55 km, cách thành phố cảng Đà Nẵng, sân bay quốc tế Đà Nẵng chưa đầy 30 km, cách cố đô Huế trên 100 km. Cổ xưa mà quyến rũ, lặng lẽ mà giàu sức vươn tới tương lai, càng khám phá càng thấy Hội An là viên ngọc quý không dễ tìm ở nơi khác.
Thương cảng xưa và những ngôi nhà gỗ trăm tuổi
Hội An có bề dày lịch sử - văn hóa trên 3.000 năm tính từ thời tiền - sơ sử (nằm trong phức hệ văn hóa tiền Sa Huỳnh, Sa Huỳnh ở miền Trung), tiếp nối bởi thời kỳ văn hóa Chăm-pa và Đại Việt cho đến ngày nay. Từ cuối thế kỷ 16 đến đầu thế kỷ 19, Hội An vươn lên thành đô thị thương cảng nổi tiếng của Việt Nam và khu vực với nhiều tên gọi khác nhau như FaiFo, HaiFo, Hoài Phố, Hội An. Cùng với cư dân bản địa, người Hoa và người Nhật buôn bán và sinh cơ lập nghiệp ở đây, hình thành phố người Hoa và phố người Nhật. Bên cạnh đó, còn có rất nhiều tàu thuyền của Bồ Đào Nha (từ Macao đến), Tây Ban Nha, Hà Lan, Pháp, Anh, Ấn Độ. Một thương gia gốc Hoa ở đây tự giới thiệu về mình: "Vốn nghề thương mại sanh nhai; Gia tư cũng có một vài mươi muôn". "Muôn" là vạn, một vài mươi vạn ngày đó hơn cả tỉ phú bây giờ. Trong tấm bằng của UNESCO công nhận Hội An là Di sản văn hóa thế giới vào tháng 12/1999 có ghi 2 tiêu chí quan trọng, tiêu chí II: "Hội An là biểu hiện vật thể nổi bật của sự kết hợp các nền văn hóa qua các thời kỳ trong một thương cảng quốc tế" và tiêu chí V: "Điển hình tiêu biểu về một cảng thị châu Á truyền thống được bảo tồn một cách hoàn hảo".
Đến Hội An hôm nay, du khách không thể không đến thăm khu phố cổ, thăm Hội quán Phúc Kiến, Hội quán Triều Châu, Lai Viễn Kiều (chùa Cầu, cầu Nhật Bản), nhà cổ Tấn Ký, miếu Quan Công, các ngôi đình Cẩm Phô, Sơn Phong, Đế Võng; các làng nghề thủ công mỹ nghệ, các ngôi chùa: Quan Âm, Chúc Thánh, Phúc Lâm, Vạn Đức, Viên Giác; khu mộ thứ phi Quang Trung và các tướng Tây Sơn, nhà cổ Phùng Hưng và cả ngàn nhà gỗ cổ. Trong tổng số hơn 1.360 di tích, danh thắng ở Hội An, có 1.270 di tích kiến trúc nghệ thuật và phần lớn được làm bằng gỗ có người dân sinh sống trong đó. Đến Hội An, còn phải tìm hiểu, thưởng thức những sản vật dân dã từ đậu hũ, bánh tráng gạo, bánh tráng đập, bánh ú tro, mì Quảng đến các món nhập từ bên ngoài như cao lầu, quai vạc, hoành thánh, chí mà phù, lục tào xá...
Ở Hội An, sự giao thoa, kết hợp giữa xưa và nay, Đông và Tây, dân bản địa và khách bên ngoài đã, đang và sẽ viết thêm những trang mới lạ, hấp dẫn.
Mười năm phố Hội thức dậy
Cái "tiền đặc khu kinh tế" một thời ấy tưởng đã ngủ quên, mai một theo sự dâu bể của đời người, của vạn vật, của sự bồi lắng sông Chợ Củi, sông Trường Giang, Cửa Đại. Thạc sĩ Trần Ánh - Giám đốc Trung tâm quản lý bảo tồn di tích Hội An cho biết, ngày đó, nhiều người cho rằng phố cổ nên dùng cho người già ở, là "phố dưỡng già". Mãi đến đầu thập niên 90 của thế kỷ 20, người Hội An mới thấy có một viên ngọc rất quý hiếm đang nằm trong tay mình.
Với sự giúp đỡ của các cơ quan trung ương, của tỉnh, thị xã tổ chức hai cuộc hội thảo quốc tế về phố Hội. Đó là hai tiếng chuông báo thức, hai tiếng chuông mời gọi khách gần xa. Hội An làm du lịch từ một nền kinh tế nhiều chục năm lấy lĩnh vực ngư - nông là chính, thứ đến là tiểu thủ công nghiệp và bị câu thúc bởi gần 6.000 lao động thiếu việc làm do mất thị trường truyền thống. Năm 1991, thị xã thành lập Công ty ăn uống, phục vụ du lịch ("ăn uống" nổi hơn là "du lịch"!), chủ yếu đón khách nội địa ghé qua. Công ty có một nhà khách nhỏ, chỉ 8 phòng "lộng gió". Tiếp đó, Đảng bộ và HĐND thị xã ra nghị quyết phát triển du lịch - dịch vụ. Cuối năm 1993, thị xã đầu tư cho Công ty ăn uống, phục vụ du lịch 500 triệu đồng để nâng cấp tòa nhà của tỉnh trưởng Quảng Nam cũ thành khách sạn. Đến các năm 1995, 1996, 1997, du lịch Hội An thực sự có hình hài, có bước đi. Thị xã có thêm hơn 20 khách sạn, nhà nghỉ với 400 phòng. Việc tu bổ các di tích, khu phố cổ, tạo lập cảnh quan sạch đẹp, trong lành, xây dựng nếp sống văn hóa được các cấp lãnh đạo và người dân quan tâm hơn. Việc tuyên truyền quảng bá về phố Hội, về du lịch Hội An; tham gia các hội chợ, triển lãm; mời gọi, đưa đón khách được tăng cường và đi dần vào chất lượng. Các quầy hàng, xưởng thủ công mỹ nghệ, tiệm vải, tiệm may nhanh, quán ăn uống, giải khát, nhà bảo tàng lịch sử - văn hóa, phòng biểu diễn nghệ thuật dân tộc được quy hoạch gắn với các khu phố, các tuyến tham quan của khách. Có thêm nhiều dự án đầu tư trong nước, nước ngoài vào lĩnh vực du lịch - dịch vụ.
Sau 10 năm khởi động và phát triển, đến nay Hội An có gần một trăm khách sạn với trên 3.000 phòng, có cả khách sạn 4 sao, 3 sao, 2 sao. Mỗi năm thị xã đón trên 500.000 lượt khách, hơn một nửa là người nước ngoài, có khoảng 300.000 lượt khách lưu trú, số ngày lưu trú bình quân trên 2 ngày. Tính ra một người dân phố Hội mỗi năm đón trên 6 lượt khách du lịch. Tỷ trọng du lịch - dịch vụ từ chỗ rất bé nhỏ, đến nay đã lên tới trên 60% tổng giá trị sản xuất. Tốc độ tăng trưởng GDP mấy năm gần đây đạt bình quân 15 -20%/năm. Năm 2004, giá trị sản xuất toàn ngành du lịch - dịch vụ - thương mại đạt gần 860 tỉ đồng; tổng kim ngạch xuất khẩu đạt gần 14 triệu USD, tổng thu ngân sách 160 tỉ đồng. Chỉ tính tiền thu từ bán vé cho khách tham quan, năm 1993 chưa đầy 100 triệu đồng, nay đã lên trên 10 tỉ đồng /năm.
Bên cạnh bước tiến dài về kinh tế, Hội An cũng tạo được sức vươn mạnh mẽ về văn hóa - xã hội. Đến nay, phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư thị xã đạt kết quả đáng mừng. Nhiều phường, xã đạt danh hiệu phường văn hóa, 90% gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa, thị xã đã hoàn thành phổ cập trung học cơ sở. Cả thị xã hơn 8 vạn dân mà chỉ có 7 người nghiện ma túy, hầu như không có tệ nạn mãi dâm, không có người ăn xin, các đối tượng xã hội được tập trung nuôi dưỡng, quản lý. 10 năm liền Hội An không để xảy ra trọng án giết người, cướp của. Các đối tượng trộm cắp nếu lọt vào địa bàn sẽ bị nhân dân hoặc các lực lượng chức năng sớm phát hiện và xử lý.
(còn tiếp)


Nguyễn Thế Kỷ



Dọc theo Con đường di sản miền Trung - Kỳ 3:

Huế - kinh thành xưa và đô thị du lịch hôm nay

22:15:47, 07/12/2005
Lăng Khải Định - ảnh: Đào Hoa Nữ Cũng gần giống như tỉnh Quảng Nam, thành phố Huế được UNESCO công nhận 2 danh hiệu cao quý: Di sản văn hóa thế giới cho quần thể di tích cố đô Huế và Kiệt tác di sản văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại cho nhã nhạc, âm nhạc cung đình triều Nguyễn. Đến Huế là đến với những trang sử bi hùng một thời của dân tộc; xem các lăng tẩm, đền đài, cung điện đã rêu phong mấy lớp; nghe người dân cố đô nói về chuyện hôm qua và dịu dàng, quả quyết trong bước đi hôm nay.
1. Lối xưa, hồn cũ
Làng Phú Xuân nằm bên dòng Hương mơ mộng. Một ngày của năm Đinh Mão 1687, làng được vị chúa thứ năm của nhà Nguyễn là Nguyễn Phúc Trăn, thường gọi là Chúa Nghĩa chọn làm đất thần kinh. Hơn 60 năm sau, Chúa Nguyễn Phúc Khoái, để thoát khỏi "mệnh trời" qua câu sấm ký "bát đại thời hoàn Trung đô" (sau tám đời phải trở lại Trung đô, tức kinh thành Thăng Long) đã xưng vương (Vũ Vương) và tập trung xây dựng Phú Xuân thành kinh đô thực sự. Sách Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn viết: "Dựng thêm 2 điện Kim Hoa, Quang Hoa có các nhà Tựu Lạc, Chính Quan, Trung Hòa, Di Nhiên" và nhiều đài, các, đình, hiên, am, công đường, trường học, trường súng. Sách viết tiếp: "Ở thượng lưu về bờ nam có phủ Dương Xuân và phủ Cam, ở trên nữa có phủ Tập Thượng, lại dựng điện Tường Lạc, hiên Duyệt Võ, mái lớn nguy nga, đài cao rực rỡ...". Trải qua 18 đời vua, chúa với 258 năm, đến ngày 30.8.1945, trước cửa Ngọ môn với 5 vạn người dân Huế, Bảo Đại - ông vua cuối cùng của các triều đại phong kiến Việt Nam tuyên bố thoái vị. Huế trở về trong vòng tay của cả nước, của chính thể dân chủ, cộng hòa. Huế trở thành cố đô. Nhờ mồ hôi, máu, nước mắt và sự sáng tạo của nhân dân, quần thể kiến trúc thời nhà Nguyễn, một số khu phố Tây, các đền chùa, các khu nhà vườn tạo cho Huế một diện mạo khó lẫn với nơi khác. Cái "mây gió hiu hiu, chiều lặng lặng" của Huế đã mê đắm muôn vàn du khách.
Ông Phạm Khắc Hòe trong hồi ký Từ triều đình Huế đến chiến khu Việt Bắc kể lại: trong ngày 19.8.1945, Bảo Đại mấy lần hỏi, ông Hồ Chí Minh có liên quan gì đến Nguyễn Ái Quốc không? Ông Hòe chưa biết rõ nhưng có nhắc lại câu sấm ký mà dân gian cho là của cụ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm "Đụn Sơn phân giải, Bò Đái thất thanh, Nam Đàn sinh thánh". Thánh đó là ai? Ở Nam Đàn vào cuối thế kỷ 19, chỉ có thể là một trong hai con người kiệt xuất- Phan Bội Châu hoặc Nguyễn Ái Quốc. Nếu đúng như vậy, cụ Trạng Trình vừa là người bày vẽ cho vị chúa đầu tiên của nhà Nguyễn chọn đất nương thân, dựng nghiệp lớn, lại vừa là người báo hiệu cho sự kết thúc của chính danh gia vọng tộc này.
2. Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển
Đó là chủ đề của Festival Huế được tổ chức vào đầu tháng 6 năm 2004. Đó cũng là phương châm để 10 năm qua Huế vươn lên trong công cuộc bảo tồn, tôn tạo, phát huy các giá trị văn hóa của cha ông vào cuộc sống hiện tại.
Nói về di sản Huế, phải kể đến thời xa xưa khi vùng đất này còn thuộc vương quốc Chăm-pa, đặc biệt là thời vua chúa triều Nguyễn; thời oanh liệt của Nguyễn Huệ - Quang Trung; thời kỳ đấu tranh chống Pháp, chống Mỹ của các tầng lớp nhân dân Huế. Và Huế cũng là mảnh đất lưu giữ những kỷ niệm về Phan Bội Châu - ông già Bến Ngự, về gia đình Chủ tịch Hồ Chí Minh thuở thiếu thời, về nhiều danh nhân văn hóa và cách mạng cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20.
Quần thể kiến trúc thời Nguyễn bố trí chủ yếu ở hai bờ sông Hương được xây dựng, phát triển gần một thế kỷ rưỡi (1802 - 1945). Cuối thế kỷ 19, khu vực bờ nam sông Hương hình thành thêm các khu phố Tây với kiến trúc vừa hiện đại, vừa hài hòa với cảnh quan chung của Huế. Tính đến nay, toàn thành phố có 373 di tích văn hóa các loại, trong đó có 26 di tích được Bộ Văn hóa - Thông tin cấp bằng quốc gia, 56 di tích được UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế ra quyết định bảo vệ đợt I, một số di tích khác sắp được công nhận và bảo vệ đợt II.
Di sản văn hóa Huế, qua giao lưu, hội nhập, đặc biệt là qua các kỳ Festival đã được du khách nhiều nước biết và tìm đến. Một số tổ chức quốc tế như UNESCO, quỹ Toyota, AIF, vùng Nord Pas de colais của Pháp đã có những giúp đỡ thiết thực và hiệu quả.
3. Đô thị du lịch
Năm 1992, Huế tổ chức thành công liên hoan văn hóa Việt - Pháp, tạo sự chú ý của du khách bên ngoài về một cố đô nước Việt nhiều ấn tượng. Đó cũng là viên gạch đầu tiên để 8 năm sau, Huế nâng hoạt động này lên thành Festival.
Ngọ môn Huế - ảnh: Đào Hoa NữNgày 11.12.1993, Ủy ban Di sản thế giới của UNESCO công nhận quần thể di tích cố đô Huế là di sản thế giới. 10 năm sau, nhã nhạc cung đình Huế được tổ chức danh giá này công nhận là kiệt tác di sản văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại. Trong 10 năm ấy, tầm vóc của đô thị du lịch Huế cũng được khẳng định, nâng cao. Năm 1993, khách du lịch đến Huế là 243.000 lượt người, trong đó có 94.000 lượt khách nước ngoài. Năm 1994, con số này (cả trong nước và nước ngoài) tăng gấp đôi. Năm 2000, với việc tổ chức Festival Huế lần đầu tiên, thành phố đón 910.000 lượt khách, trong đó có 304.519 lượt khách quốc tế. Năm 2002, Festival Huế lần thứ 2, thành phố đón 1.335.337 lượt khách, hơn 1/3 trong đó là khách quốc tế. Số liệu thống kê hơn 10 năm qua: Huế đã thu hút gần 10 triệu lượt khách (có trên 2,5 triệu lượt khách quốc tế), đạt doanh thu gần 200 tỉ đồng. Chỉ tiêng tiền bán vé cho du khách, mỗi năm thu về từ 35 - 40 tỉ đồng. Nếu như cơ cấu kinh tế của tỉnh Thừa Thiên - Huế là công nghiệp - du lịch, dịch vụ - nông, lâm, ngư nghiệp thì cơ cấu này của thành phố Huế là thương mại - dịch vụ - du lịch. Huế đã và đang thực hiện phương châm "nhà nước và nhân dân cùng làm" trong bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị các di tích, danh thắng; xã hội hóa mạnh mẽ hoạt động du lịch, dịch vụ; có cơ chế, chính sách tốt, cởi mở hơn để các tầng lớp nhân dân đóng góp trí tuệ, trách nhiệm, vốn liếng, công sức cho lĩnh vực này.
Đến với Huế là đến với lối xưa, hồn cũ; với núi Ngự sông Hương hùng vĩ nên thơ; với thành phố của cây xanh, nhà vườn; đến với sự bình yên, thanh thản, dịu dàng. Và khi xa Huế, du khách không chỉ mang theo niềm vui thích, sự quyến luyến mà còn có cả những quà lưu niệm của Huế, rất Huế. Đó là các hàng thủ công mỹ nghệ từ các làng nghề truyền thống (32 cơ sở thuộc 8 ngành nghề). Phù điêu Festival khảm xương, đĩa sơn mài có hình Ngọ môn; mô hình chùa Thiên Mụ, Đại Nội, Cửu Đỉnh, sông Hương, cầu Tràng Tiền; đèn lồng và trống các loại; tượng gỗ Bát Tiên song long, Long Mã bay, thiên thần có cánh, Tố Nữ đàn, chọi trâu, đánh vật... Để làm được điều này, tỉnh và thành phố chú trọng đến công tác tuyên truyền, quảng bá về quê hương mình, về các tiềm năng, thế mạnh; vận động, giáo dục người dân về xây dựng nếp sống văn hóa, nhất là lời ăn, tiếng nói, nếp ứng xử với khách du lịch. Người dân được tạo điều kiện tốt nhất để làm ăn, buôn bán, dịch vụ nhưng không được đeo bám, chèo kéo, lừa gạt, ép giá đối với khách.
Với những gì đã có, đã làm được, Huế đang vươn lên trở thành đô thị du lịch, đô thị Festival đặc sắc và hấp dẫn không chỉ của Việt Nam mà của cả khu vực Đông Nam Á.


Nguyễn Thế Kỷ

Doc theo con duong di san mien Trung (ky 4)



Dọc theo Con đường di sản miền Trung (kỳ 4)
22:42:00, 08/12/2005

Phong Nha - kiệt tác của tạo hóa

Trong 5 di sản văn hóa thế giới ở nước ta, có 2 kiệt tác của thiên nhiên: vịnh Hạ Long với hàng nghìn hòn đảo lô nhô trên mặt biển và Phong Nha - Kẻ Bàng với trên 300 hang động cácxtơ khuất chìm trong hang núi. Mỗi nơi mỗi vẻ, đẹp đến sững sờ. Ngày 2.7.2003, Phong Nha - Kẻ Bàng được UNESCO công nhận Di sản thiên nhiên thế giới. Từ đây, Con đường di sản miền Trung kết nối "đệ nhất động" với cố đô Huế, phố cổ Hội An và thánh địa Mỹ Sơn.
1. Khám phá Phong Nha - Kẻ Bàng
Tuổi của kỳ quan này có trên 400 triệu năm, từ thời kỳ tạo sơn Hec-ni-xi. Đây là vùng cácxtơ có mức độ phóng hỏa mạnh, chiều dài khoảng 200 km trên dãy Trường Sơn, có bề dày từ 1.000 - 2.000m. Hằng năm, cả vùng núi bạt ngàn này đón nhận lượng mưa lớn từ 2.500 - 3.000 mm. Nước mưa chảy qua những vết nứt, những hốc đá, xâm thực, bào mòn, hòa tan, kết tụ, tạo thành các con sông ngầm và vô số hang động lớn nhỏ.
Sách Đại Nam nhất thống chí viết: "Động Thầy Tiên (tên gọi của Phong Nha lúc đó) cách huyện Bố Trạch 40 dặm về phía tây, lại có tên là núi Động Thầy. Lưng động dốc như vách, âm u sâu thẳm, trong động thạch nhũ rủ xuống, hoặc như cây hoa, hoặc như chuỗi ngọc, hoặc như tượng Phật, hoặc như gấm vóc...". Như vậy, ông cha ta đã khám phá, chiêm ngưỡng, ngợi ca Phong Nha từ hàng trăm năm trước.
Cuối thế kỷ XIX, linh mục người Pháp là Lê-ô-pôn Ca-đi-ê khi đến đây còn phát hiện ra bàn thờ và chữ Chăm cổ khắc trên vách đá, lại có cả những viên gạch Chăm - thứ gạch bằng đất không nung. Những năm 20, 30 của thế kỷ XX, rất nhiều nhà nghiên cứu người Pháp, người Anh đã đến nơi này. Và không thể khác, họ đều hết lời ngợi ca vẻ đẹp có một không hai của hang đá, nhũ đá, kiệt tác nghệ thuật mà chất liệu tạo nên chỉ là ba yếu tố: nước mưa, đá vôi và thời gian.
Đến đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, vùng Phong Nha - Kẻ Bàng được thám sát kỹ càng, nhiều đợt, với sự tham gia của Hội Địa lý hang động Hoàng gia Anh; khoa Địa lý, Trường đại học Tổng hợp Hà Nội; Hội Hang động Việt Nam. Ông Hâuuốt - Limbớt, Trưởng đoàn thám hiểm người Anh khẳng định: "Động Phong Nha là hang động nổi tiếng nhất của Việt Nam và là một trong hai hang động đẹp nhất thế giới". Tiếp đó, các nhà khoa học Việt Nam và nước ngoài liên tục giới thiệu kỳ quan này tại 14 trường đại học châu Âu và hàng chục tờ báo lớn trên thế giới.
Đến Phong Nha - Kẻ Bàng, du khách được thăm động Nước, dài chừng 14 km với hang Ngoài, hang Trong, hang Cạn; với muôn vàn bức họa, bức điêu khắc tài tình của tạo hóa về cõi tiên, cảnh Phật, gốc bồ đề, phượng múa, rồng bay, những trận chiến oai hùng, những tòa lâu đài nguy nga, những cột đá nhũ vàng xanh tráng lệ, những hình chim, thú đủ loài... Ở trên lưng chừng núi, du khách gặp động Khô, càng đi càng mê đắm. Dường như đời sống muôn màu ngoài kia đều được thể hiện - nhưng ở trình độ hoàn mỹ - ở nơi này. Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng có hàng trăm loài thực vật, động vật, trong đó có nhiều loài trong sách đỏ Việt Nam và thế giới.
2. Di sản thiên nhiên và di sản văn hóa
Cùng với món vô giá của thiên nhiên, vùng Phong Nha - Kẻ Bàng còn lưu giữ những nét văn hóa độc đáo mà cư dân bản địa từ bao đời kể lại. Ở động Khô, trong quá trình khám phá, các nhà nghiên cứu tìm thấy những lớp vỏ ốc, tro bếp, một số đồ gốm, đất nung, tên đồng, mũi giáo. Từ dấu vết người Chăm và nền văn hóa Chăm ở động Bi Ký, có người nêu giả thiết: phải chăng, từ những nhũ đá có vẻ đẹp kỳ bí và hình khối độc đáo là ý tưởng để người Chăm xây nên hàng trăm đền, tháp trải dài suốt dải đất miền Trung? Rất có thể.
Những năm đánh Mỹ, mảnh đất này là huyết mạch giao thông quan trọng, là một phần của đường Hồ Chí Minh huyền thoại. Bến phà Xuân Sơn bắc qua sông Son, gần với cửa lớn vào động Phong Nha. Ngày đó, những người đảm bảo giao thông, những đoàn quân lên đường vào Nam đã khắc lên vách đá câu khẩu hiệu: "Động là nhà, bến phà là trận địa". Một số hang ở đây được dùng làm nơi cất giấu hàng hóa, vũ khí, đạn dược, cứu chữa thương binh.
Thăm Phong Nha - Kẻ Bàng hôm nay, du khách không thể không đến với tượng đài Chiến thắng do lực lượng thanh niên xung phong xây dựng; ngược đường 15A lên Minh Hóa đến thăm trận địa pháo của Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Viết Xuân với lời hô bất tử: "Nhằm thẳng quân thù mà bắn!"; đến Km 16 đường 20 Quyết thắng thắp hương cho 8 liệt sĩ thanh niên xung phong mãi mãi tuổi 20 lấy hang đá làm nấm mồ chung. Du khách còn có thể từ đây đến thắng cảnh đèo Ngang, sông Giang, cửa biển Nhật Lệ, suối nước khoáng Bang, biển Đá Nhảy, thác Mọc, sông Ngang, cửa khẩu Cà Roòng - Noọng Ma, cồn cát Hiểu Ngọ, Bàu Tró, nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp... và con đường Hồ Chí Minh - đường Trường Sơn công nghiệp hóa sẽ đưa du khách vào Nam, ra Bắc, đến với nhiều danh thắng khác của đất nước.
3. Những "quả trứng vàng" đầu tiên
Du lịch vùng Phong Nha - Kẻ Bàng đi lên từ vốn tự có của tạo hóa và do đó, buổi đầu không thể thoát khỏi tính tự phát, giản đơn. Trước đây, người dân xã Sơn Trạch (huyện Bố Trạch) sống chủ yếu bằng nghề nông: trồng lúa, màu, đánh cá, khai thác lâm thổ sản. Họ bóc lột rừng nhưng cuộc sống chẳng mấy khấm khá. Khi nhu cầu tham quan, du lịch động Phong Nha của du khách tăng lên, những chiếc thuyền đánh cá trên sông Son kết hợp thêm nhiệm vụ chở khách. Dần dà, những con thuyền du lịch với kiểu dáng, màu sắc tươi tắn xuất hiện. Giá mỗi thuyền khoảng 30-50 triệu đồng. Tuy nhiên, chỉ đến khi Trung tâm du lịch Phong Nha ra đời, hoạt động du lịch ở đây mới đi vào nề nếp. Để phục vụ nhu cầu của khách, đội thuyền ở đây được thành lập với 235 chiếc.
Năm 2003, Phong Nha - Kẻ Bàng đón trên 200.000 lượt khách, thu về 5 tỉ đồng tiền bán vé (mỗi vé tham quan cho một người là 25.000 đồng), nếu tính cả nguồn thu từ chở thuyền, bán hàng, dịch vụ, cả khu du lịch thu về từ 7 - 8 tỉ đồng. Năm 2004 và 2005, con số vừa nêu tăng đáng kể. Năm 2006, tỉnh Quảng Bình dự định tổ chức lần đầu lễ hội Phong Nha - Kẻ Bàng nhằm phát huy và khai thác tốt hơn những giá trị nhiều mặt của khu di sản thiên nhiên thế giới này. Lễ hội sẽ có nghi lễ "xin nước tiên", rước kiệu, dâng hương, dâng lễ vật, hội chợ truyền thống, hát tuồng Khương Hà, hò khoan Lệ Thủy, chèo cạn Cảnh Dương, hành trình thăm lại chiến trường xưa.
Trong quá trình bảo tồn, tôn tạo, khai thác những giá trị sinh thái tự nhiên cũng như các giá trị văn hóa truyền thống, Phong Nha - Kẻ Bàng rất cần giữ được vẻ đẹp nguyên sơ, thẳm sâu của mình. Phải làm sao để ngàn năm sau, chốn này còn mãi cảnh "mây vờn lãng đãng, gió mênh mông; sơn thần chao võng mơ màng ngủ; viễn khách động lòng ngẩn ngơ trông".

Nguyễn Thế Kỷ