Tuesday, January 08, 2008

“vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng"




Với nhận thức rằng phiên tòa xét xử phúc thẩm LS Nguyễn Văn Đài và LS Lê Thị Công Nhân đã có những “vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng" các Luật sư Đặng Dũng, Bùi Quang Nghiêm và Lê Công Định đã thống nhất cùng ký tên trong Đơn khiếu nại gửi đến Ông Chánh án Tòa án ND tối cao. Theo các vị Luật sư thì Hội đồng xét xử đã có những vi phạm cụ thể sau:



1. Không triệu tập đủ nhân chứng.



2. Không xem xét tài liệu mới.



3. Cản trở Luật sư tranh luận.



Họ kiến nghị rằng những thiếu sót này cần phải khắc phục ngay lập tức bằng thủ tục luật định trên cơ sở Luật pháp hiện hành.



Cũng theo các vị luật sư trên thì ông Chánh án tòa án nhân dân tối cao phải có quyết định trả lời khiếu nại trong vòng 15 ngày, tuy nhiên đến nay đã quá 25 ngày mà họ vẫn chưa nhận được quyết định này.



Trong khi kiên nhẫn chờ đợi sự trả lời chính thức của ông Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, các Luật sư đã đồng ý để chúng tôi đăng bản Đơn khiếu nại này để công luận cùng theo dõi và nhận xét.







CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM



ĐỘC LẬP – TỰ DO – HẠNH PHÚC



____________________________





ĐƠN KHIẾU NẠI





Kính gửi: Ông Chánh án Tòa án nhân dân tối cao





Trích Yếu : Khiếu nại hành vi của Hội đồng xét xử trong Phiên tòa phúc thẩm ngày 27/11/2007 vụ án hình sự “tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”





Kính thưa ông Chánh án,





Chúng tôi, đồng ký tên dưới đây, là những Luật sư tham gia bào chữa cho ông Nguyễn Văn Đài và bà Lê Thị Công Nhân trong vụ án hình sự “tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” được xét xử phúc thẩm vào ngày 27/11/2007. Bằng văn thư này, chúng tôi khiếu nại sự việc như sau:







SỰ VIỆC





Thứ nhất: Không triệu tập đủ nhân chứng





Ngày 19/11/2007 các Luật sư biện hộ đã gửi đơn thỉnh cầu triệu tập mười bảy (17) nhân chứng, nhưng chúng tôi được Thư ký Tòa thông báo miệng rằng Tòa chỉ gửi giấy mời triệu tập chín (9) nhân chứng đến dự Phiên tòa phúc thẩm. Vào ngày xét xử chỉ năm (5) nhân chứng dự phiên tòa phúc thẩm.





Về phần nhân chứng Phạm Văn Trội bị Công an cản trở đến tòa làm chứng mà chúng tôi đã lưu ý Hội đồng xét xử khi bắt đầu Phiên tòa và yêu cầu phải có biện pháp giải quyết ngay, thì ngoài việc Hội đồng xét xử cố tình “tịch thu” bản gốc Đơn tố cáo của nhân chứng Phạm Văn Trội, trong suốt diễn biến Phiên tòa, Hội đồng xét xử tuyệt nhiên không đề cập đến sự việc nghiêm trọng và có dấu hiệu vi phạm pháp luật này mặc dù Thẩm phán Chủ tọa Nguyễn Minh Mắn hứa sẽ giải quyết vấn đề này trong Phiên tòa. Thậm chí, ông Chủ tọa cũng cố tình không cấp một bản sao y Đơn tố cáo của nhân chứng Phạm Văn Trội cho các Luật sư như đã cam kết khi yêu cầu Luật sư nộp lại bản gốc.





Việc làm nói trên của Hội đồng xét xử về vấn đề này là không thể chấp nhận được vì lẽ ra các Thẩm phán cần phải hội ý với nhau và tham khảo ý kiến của Đại diện Viện Kiểm sát tối cao và các Luật sư đang hiện diện tại Phiên tòa để xem xét khả năng yêu cầu Công an địa phương nào đã bắt giữ trái pháp luật ông Phạm Văn Trội phải lập tức đưa anh ta trở lại Phiên tòa.





Thứ hai: Không xem xét tài liệu mới





Khoản 1 Điều 246 của Luật Tố tụng Hình sự quy định việc người bào chữa có quyền cung cấp và bổ sung chứng cứ mới và tài liệu trong khi xét hỏi tại Phiên tòa phúc thẩm. Cũng tại điều này Khoản 2 Điều này, chứng cũ mới, cũ và tài liệu mới bổ sung phải được xem xét tại Phiên tòa phúc thẩm và ghi nhận trong Bản án phúc thẩm.





Tại Phiên tòa phúc thẩm các Luật sư đã cung cấp tài liệu mới sau đây để Hội đồng xét xử xem xét:





(1) Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế;





(2) Luật ban hành các văn bản quy phạm pháp luật;





(3) Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (International Covenant on Political and Civil Rights) do Đại hội đồng Liên hiệp quốc thông qua vào ngày 16/12/1966 theo Nghị quyết số 2200 A (XXI), có hiệu lực từ ngày 23/3/1976 và Việt Nam tham gia vào ngày 24/9/1982; và





(4) Các Nguyên tắc cơ bản về vai trò của luật sư (Basic Principles on the Role of Lawyers) do Hội nghị Liên hiệp quốc lần thứ tám về phòng chống tội phạm và xử lý người phạm tội, tổ chức tại Havana (Cu-Ba) từ ngày 27/8/1990 đến ngày 7/9/1990.





Nhà nước Việt Nam có bổn phận tuân thủ các điều ước quốc tế đã gia nhập hoặc công nhận, đặc biệt là các công ước của Liên hiệp quốc mà Việt Nam là thành viên như đã liệt kê ở trên. Tuy nhiên, khi chúng tôi dẫn chiếu các tài liệu nói trên tại Phiên tòa, thì Hội đồng xét xử chẳng những cố tình ngăn cản các luật sư phát biểu đề cập đến các tài liệu pháp lý nói trên, mà còn không ghi nhận các tài liệu ấy trong Bản án phúc thẩm đã tuyên tại Phiên tòa và thậm chí không giải thích lý do vì sao Hội đồng xét xử từ chối áp dụng luật pháp quốc tế theo yêu cầu của các Luật sư.





Đây là một sự thiếu sót nghiêm trọng của Hội đồng xét xử trong công việc xét xử tại Phiên tòa phúc thẩm ngày 27/11/2007.





Thứ ba: Cản trở Luật sư tranh luận





Tất cả các Luật sư đều bị Hội đồng xét xử cản trở khi tranh luận, đặc biệt là Luật sư Đặng Trọng Dũng bị cắt ngang lời phát biểu ít nhất sáu (6) lần khiến ông phải bỏ dở phần trình bày quan trọng của mình. Việc nhắc nhở là cần thiết nhưng cản trở Luật sư trình bày luận cứ và tranh luận là điều hoàn toàn không thể chấp nhận được.





Các Thẩm phán đã tự ý nhận định các luận cứ do Luật sư trình bày là không liên quan đến Vụ án mặc dù chưa nghe trọn quan điểm của Luật sư, đặc biệt khi các Luật sư phân tích sự cần thiết phải áp dụng các quy định có liên quan của những công ước quốc tế mà Nhà nướcViệt Nam đã tham gia và phải tuân thủ.





Mặt khác, khi Luật sư Lê Công Định đề nghị đọc công khai Đơn tố cáo của nhân chứng Phạm Văn Trội tại Phiên tòa hay Luật sư Đặng Trọng Dũng đề nghị đọc toàn văn bài viết “Quyền tự do thành lập Đảng tại Việt Nam” của Bị cáo Nguyễn Văn Đài nhằm mục đích phân tích chứng cứ và rộng đường tranh luận giữa Đại diện Viện Kiểm sát tối cao và các Luật sư, thì phán Chủ tọa Nguyễn Minh Mắn đã thẳng thừng bác bỏ một cách vô lối mà không lý giải vì sao.





Rõ ràng đây là sự cố tình của Hội đồng xét xử trong việc gây khó khăn cho công việc bào chữa hợp pháp của các Luật sư.







KHIẾU NẠI VÀ ĐỀ NGHỊ





Vì những sai phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng nêu trên tại Phiên tòa phúc thẩm ngày 27/11/2007 xét xử ông Nguyễn Văn Đài và bà Lê Thị Công Nhân tội “tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, chúng tôi nhận định rằng việc giải quyết Vụ án có nhiều thiếu sót cần phải khắc phục ngay lập tức bằng thủ tục luật định.





Do vậy, chúng tôi nghiêm túc đề nghị ông Chánh án xem xét sự việc và giải quyết khiếu nại nêu trên của chúng tôi trên cơ sở luật pháp Việt Nam hiện hành. Rất mong nhận được sự chấp thuận và hợp tác của ông Chánh án. Xin chân thành cám ơn và trân trọng kính chào.





TP Hồ Chí Minh, ngày 7 tháng 12 năm 2007



Đồng kính đơn









Đã ký tên và gửi đơn



Đặng Trọng Dũng Bùi Quang Nghiêm Lê Công Định

Thursday, January 03, 2008

GỞI TẶNG ĐẾN NHỮNG TÂM HỒN LUÔN HƯỚNG VỀ HS_TS

GỞI TẶNG ĐẾN NHỮNG TÂM HỒN LUÔN HƯỚNG VỀ HS_TS





Nó được sinh ra và lớn lên nơi miền biển xanh cát trắng , tuồi thơ của nó cũng như bao đứa trẻ khác được ôm ấp bảo bọc trong vòng tay cha me, “cuộc đời này là màu hồng trong đôi mắt của nó” _ Nó nghĩ như thế


Bất chợt một ngày nọ, cơn cuồng phong ập đến bao trùm lên làng quê nơi nó sinh sống.Gia đình cha mẹ của nó ly tán,nhà cửa tan hoang và nó bị quẳng ra đường khi chưa tròn 7 tuổi…


Thế là nó trôi dạt lang thang giữa chốn thành đô xa lạ để tiếp tục tồn tại cho kiếp làm người.


Nó ngao du kết bạn với mọi người trong tầng lớp lao động ở cái xã hội trắng đen lẫn lộn này. Nó làm bất cứ công việc gì mà nó có thể tìm được chút gì đó để ăn lót dạ qua ngày.


Hằng đêm trong giấc ngủ, nó luôn nhìn thấy bóng dáng mẹ ngồi kề bên ru cho nó nghe những câu hò ca dao, văng vẳng bên tai nó luôn là câu nhắn nhủ của mẹ “ Gia tài của Cha mẹ để lại cho con ở trên đời này không có gì ngoài Tri thức và lòng tự trọng ” nó mơ hồ cảm nhận lời bà mẹ nhắn với mình


Nó đã thấy 1 cô gái nhỏ tuổi hơn mình nói lời vĩnh biệt giã từ với chú chuột thân yêu nhất của cô cùng với lời cầu chúc mong sớm được hồi sinh ở kiếp khác, nhưng xin đừng làm kiếp con người !!!


Nó đã nghe 1 người mẹ yêu con than khóc trong đêm giáng sinh bởi vì Chúa của người mẹ này đã bị giết chết ngay tại nơi uy nghiêm nhất trong xã hội bởi sự “tự do”!!!


Nó cảm nhận được những tiếng gào thét uất hận từ trái tim của những người Tri thức nhiệt huyết cho vận mệnh nơi nó đang tồn tại


Nó đã thấy, nghe và cảm nhận được tất cả những gì đang xảy ra , nhưng nó vẩn im lặng và buồn!


Nó buồn cho chính bản thân cùa mình vì đã không thực hiện tốt lời mẹ nhắn nhủ đối với nó

Đời đã dạy cho nó rất nhiều bài học mà không có bất cứ trường lớp nào có giáo án và nó cũng trả giá khá đắt để học được cách tồn tại nơi nó đang đứng


Nó muốn cảm ơn Đời, cảm ơn Người đã giúp nó nhận ra được giá trị của cuộc sống này !!


Cơn cuồn phong năm xưa gây ra biến cố cho gia đình của nó vẫn còn theo đuổi và ám ảnh nó cho đến mãi tận hôm nay…..

Đặt câu hỏi: Tại sao nhà nước cấm biểu tình HS-TS?




(Hình: Người Việt)
Trước cảnh nhà nước Việt Nam ngăn chặn và cấm đoán, thậm chí bằng bạo lực, không cho người dân tuần hành biểu lộ lòng yêu nước và khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, người dân đã có nhiều phản ứng - từ ngạc nhiên, hoang mang, tới tức giận, chống đối. Và tất nhiên là có phản ứng đồng ý, chấp thuận, cho việc làm của nhà nước là đúng.
Nhưng trong tất cả các phản ứng đó, không ai đặt câu hỏi - là “tại sao?” (Bạn nào bảo tớ là “đồ hậu-hiện-đại quá khích” thì tớ đành nhận thôi. Tớ cứ hay thích hỏi tại sao.)
Tại sao nhà nước (nói chung cho giới cầm quyền quốc gia, gồm cả Trung ương Đảng và các cơ quan đầu não như thế) lại phải phản ứng như vậy?
Ngoài mặt, lý do họ đưa ra là để tránh cho thanh niên không bị các phần tử xấu kích động. “Phần tử xấu” này có lúc chỉ nói chung chung, lại có lúc nói cụ thể là nhóm này nhóm kia, trong đó có: “hải ngoại kích động”, Việt Tân, khối 8406, Nguyễn Tiến Trung, Tập Hợp Thanh Niên Dân Chủ, diễn đàn X-cafe, và thậm chí còn gộp chung “một số trang blog trên Yahoo 360.”
Nhưng đó là lý đo đưa ra ngoài mặt. Trên thực tế thì tất cả những nhóm trên đều bị vô hiệu hóa ngay từ đầu. Hai luật sư Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân đã nằm tù. Nguyễn Tiến Trung bị quan chức địa phương, gồm cả ủy ban, Ðảng ủy, công an, đến nhà từ tối hôm trước áp lực phải ở nhà không được đi biểu tình. Luật sư Lê Quốc Quân bị quản thúc, còn em luật sư đi tham gia biểu tình thì sau đó bị bắt.
Bác sĩ Phạm Hồng Sơn mang bảng “Đừng coi thường người Việt Nam” tham gia biểu tình thì bị một nhóm thanh niên (theo lời kể của một người trong nhóm này) “đè ra, giật biểu ngữ và đẩy ra một xó ... chửi ... hấp diêm tàn bạo. Mấy chú thường phục đi gần em đã chụp ảnh và cười tủm tỉm rồi ạ!” Sau này, họ giải thích rằng tuy họ dùng những chữ như “đè” và “hấp diêm” thực ra họ chỉ nói chuyện ôn hòa. Nhưng dù nhóm thanh niên này đã làm hay không làm gì đi nữa, thì kết quả là bác sĩ Phạm Hồng Sơn cũng không được tham gia biểu tình, bảng hiệu bị giật xé, và “mấy chú thường phục” đã an tâm và hài lòng.
Còn “một số trang blog trên Yahoo 360” thì ai cũng biết, và chắc hẳn nhà nước cũng biết, là bọn đó chả có chút thực lực nào. (*) Ngay cả “hải ngoại kích động” thì nhà nước cũng biết là không đi đến đâu. Như một cuộc thăm dò trên Người Việt Online cho thấy, 42% người trả lời không chấp nhận việc hành động chung giữa cờ vàng hải ngoại và những lá cờ đỏ của các thanh niên biểu tình trong tầm ngắm của lực lượng công quyền vũ trang đến tận răng.
Hí họa Ba Bui, đăng trên báo Người Việt.
Nói cách khác, nhà nước thực sự không sợ gì có sự kích động. Có đứa nào kích động được thì nhà nước đã tóm nó rồi. Đứa nào trong lúc biểu tình thấy có vẻ biểu hiện cái mà người Mỹ gọi là leadership quality (như nhạc sĩ Tuấn Khanh, chị Hồ Lan Hương), nhà nước cũng cho an ninh tới quản thúc tại nhà luôn.
Vậy việc gì mà phải cấm?
Một số blogger thì cho là nhà nước cấm vì Anh Cả bảo thế. Vì phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc Tần Cương sau kỳ biểu tình đầu tiên ngày 9 tháng 12 đã đòi hỏi phía Việt Nam “có các biện pháp hiệu quả nhằm ngăn chặn” vụ biểu tình.
Nhưng cũng không hẳn. Cuộc biểu tình đã từng bị cản ngăn ngày từ trước khi Trung Quốc nói lời nào. Từ trước cuộc biểu tình ngày 9, đã có những tin nhắn qua internet kêu gọi đừng đi biểu tình. Một công văn của một trường đại học tại Hà Nội, ký ngày 7 tháng 12, yêu cầu “Cán bộ, sinh viên, học viên cao học trong trường thực hiện đúng chủ trương của Ðảng và nhà nước đối với sự kiện này để tránh bị kích động, lôi kéo thực hiện những hành động đi ngược chủ trương trên”.
Hơn nữa, nếu chỉ muốn ngăn chặn để bày hàng với Anh Cả Trung Quốc, một số hành vi mà Trung Quốc không biết đến (tức là không trách gì mình được) đã không cần ngăn chặn. Nhà văn Trang Hạ đã bị bắt giữ tại đồn công an gần 12 tiếng đồng hồ chỉ vì dán đề can “Hoàng Sa Trường Sa là của Việt Nam”. Đây là lời lập lại gần như nguyên văn lời của phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam -- nếu ngại Trung Quốc, Lê Dũng đã không nói thế.
Ông Lê Dũng nói (cho Trung Quốc nghe) thì được, mà nhà văn Trang Hạ nói (chưa chắc Trung Quốc đã nghe) thì lại không được. Câu trả lời “vì sợ Trung Quốc” không lý giải được vụ này.
Những hành vi tác động tuyên truyền, như đưa các bác lão thành cách mạng tới thuyết phục nhạc sĩ Tô Hải đừng đụng đến Hoàng Sa - Trường Sa nữa, là gây phản cảm một cách không cần thiết, nếu mục đích chỉ là làm vừa lòng Trung Quốc.
Vậy bảo nhà nước cấm vì sợ Trung Quốc thì không ổn.
Nếu vậy, điều nào giải thích cho hiện tượng nhà nước buộc nhà văn Trang Hạ phải “ngồi đợi giấy mời yêu nước” - cho rằng chị Hồ Lan Hương “yêu nước là có tội” - khiến nhạc sĩ Tô Hải bất bình “Tại sao lại bắt người yêu nước” - và làm cho Dino có cảm tưởng “mặc áo cờ Tổ Quốc mà như một tội phạm”?
Nếu không phải vì sợ bọn kích động (*) hay sợ Anh Cả TQ, thì tại sao? Tại sao? Tại sao?
Hôm nay tớ đặt câu hỏi. Ngày mai tớ trả lời. Ai biết cứ tự do trả lời trước.
(*) Chuyện rằng một hôm Tổng bí thư Stalin định làm cái gì đó, người ta cố vấn bác đừng làm thế vì sợ bị Đức Giáo Hoàng phản đối. Stalin cười khểnh, “Giáo Hoàng à? Ông ấy có bao nhiêu sư đoàn?”

Entry trả lời tại sao nhà nước cấm biểu tình HS-TS




Hôm qua tớ phân tích rằng cả hai lý do “chống bọn kích động” và “sợ Anh Cả Trung Quốc” đều không lý giải được hành động ngăn chặn cuộc biểu tình (và các sinh hoạt khác như dán đề can).
Nếu cả hai lý do không đúng hết, thì lý do thật là tại sao? Đây là câu trả lời của tớ:
Tớ cho rằng câu trả lời nằm ở một sự thật sâu đậm hơn, nằm ở ngay bản chất của chế độ cộng sản.
Ta hay nói chế độ cộng sản là một chế độ độc tài, nhưng điều đó chỉ đúng một nửa. Chế độ cộng sản của Stalin, Mao, Hồ Chí Minh, khác với chế độ độc tài kiểu Franco, Pinochet, Tưởng Giới Thạch, hay Myanmar-Miến Ðiện hiện nay.
Chế độ độc tài kiểu cộng sản, phát sinh trong thế kỷ 20, khác các chế độ độc tài phát sinh từ thế kỷ 19. Nếu các nhà khoa học chính trị dùng chữ “authoritarianism” để miêu tả chế độ độc tài kiểu cổ điển, thì tên gọi cho chế độ độc tài kiểu cộng sản, là chế độ toàn trị - “totalitarianism.”
Tên gọi này chỉ mới sinh ra sau thế chiến thứ nhì, và tác phẩm kinh điển phân tích một chế độ toàn trị là cuốn Totalitarian Dictatorship and Autocracy của hai tác giả Carl J. Friedrich và Zbigniew Brzezinski. Tiến Sĩ Brzezinski sau này là cố vấn an ninh quốc gia cho Tổng Thống Carter.
Một chế độ toàn trị là một chế độ trong đó nhà cầm quyền nắm toàn bộ mọi sinh hoạt của người dân, kể cả những sinh hoạt không liên quan gì tới chính trị hay quyền lực. Dùng một lý thuyết kinh tế chính trị xã hội bao quát, chế độ toàn trị phá hủy cả hệ thống xã hội dân sự cũ và thay vào đó một xã hội mới phục vụ cho việc nắm quyền của nhà nước.
Ðộc tài kiểu Tưởng Giới Thạch hay Pinochet không phải toàn trị. Vị thống chế Ðài Loan và tướng bốn sao Chile chưa bao giờ áp đặt một lý thuyết nào đó lên xã hội dân sự, lên các tôn giáo, các mối quan hệ làng xã, gia đình.
Khác với Trung Quốc và Việt Nam, giáo hội Phật Giáo tại Myanmar có thể đang bị đàn áp, nhưng hàng giáo quyền Phật Giáo Myanmar chưa hề phải phục tùng mệnh lệnh của nhà cầm quyền. Một bạn
đã comment về yếu tố này khi tớ post entry về Myanmar.
Chế độ cộng sản, theo mô hình Stalin và được áp dụng ở cả Trung Quốc lẫn Việt Nam (tất nhiên là có khác chút đỉnh) không giống các chế độ độc tài kiểu quân phiệt. Chế độ cộng sản có một lý thuyết Mác-Lênin bao trùm hết tất cả các sinh hoạt kinh tế, chính trị, xã hội, và cả tư duy, tinh thần của người dân.
Với lý thuyết này trong tay, chế độ cộng sản kéo sập toàn bộ xã hội dân sự cũ và dựng lại một xã hội mới thích hợp với sự cai trị của mình. Cả một “con người mới xã hội chủ nghĩa” được dựng nên dựa trên mô hình Thép Ðã Tôi Thế Ðấy và các phiên bản Việt Nam như Mùa Lạc của Nguyễn Khải, Bão Biển của Chu Văn, hay bài thơ Tiếng Hát Con Tàu của Chế Lan Viên.
Nếu ai thấy tình trạng con đấu tố bố, vợ đấu tố chồng, cháu đấu tố ông bà trong Cải Cách Ruộng Ðất là tệ hại, người đó chưa biết đến một Pavel Morozov đã được tuyên dương làm gương cho thiếu niên Liên Xô vì tố cáo cha mẹ cho công an NKVD của Stalin.
Không phải tình cờ hay ngẫu nhiên mà giềng mối gia đình bị xé nát từ Nga tới Tàu tới Việt. Không, giềng mối này bắt buộc phải bị xé bị cắt, để nhường chỗ cho những mối liên hệ mới giữa người với người theo kiểu xã hội chủ nghĩa.
Tất cả những gì trong xã hội mà có thể có ảnh hưởng (hay chỉ có uy tín) với người dân, đều bị nhà cầm quyền dẹp bỏ và thay vào đó là “của mình.” Báo chí tư nhân bị cấm (điều đã không xảy ra trong thời “gia đình trị” của TT Ngô Ðình Diệm, hay cả tại Myanmar hiện nay); Nhân Văn-Giai Phẩm là những tờ báo độc lập cuối cùng của nước Việt Nam cộng sản.
Tôn giáo cũng bị khống chế. Stalin áp đặt một giáo hội Chính Thống Nga trực thuộc nhà nước. Phật Giáo và Công Giáo tại Trung Quốc là của đảng Cộng Sản. Phật Giáo tại Việt Nam bị gom vào một Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam và ai không vào, như Thích Quảng Độ hay Thích Huyền Quang, bị xem là những kẻ phạm pháp.
Tớ đã có lần
post entry về mấy tờ “Ghi nhận công đức” trong đó ghi công Phật tử đóng góp cho chùa “theo tinh thần tự lực cánh sinh của Ðảng và Giáo Hội đã chỉ đạo”!
Trong bối cảnh khác, một câu như vậy chỉ là chuyện lạ, chuyện ngộ ngộ, buồn cười. Nhưng trong bối cảnh một nhà nước toàn trị, đó là chuyện đương nhiên, chuyện tất nhiên, chuyện dễ dàng đoán trước.
Những thí dụ này cho thấy, chuyện “yêu nước cũng phải xin phép” - “yêu nước cũng phải chỉ đạo” - “yêu nước cũng phải theo lề phải” - là chuyện dĩ nhiên trong một chế độ toàn trị.
.
Lề bên phải bảo vệ cả một chế độ
.
Chế độ toàn trị sinh ra là để khắc phục khó khăn của chế độ độc tài kiểu cổ. Trong chế độ độc tài kiểu cổ, cứ hở ra cái gì, là cái đó thành nguy cơ cách mạng. Nền cộng hòa của TT Diệm, tuy mang tiếng độc tài, nhưng ông Diệm không hề có ý định áp đặt sự cai trị của ông lên giáo hội Phật Giáo. Rốt cuộc, sự bất mãn của Phật Giáo là mồi châm cho cuộc đảo chánh 1963.
Chế độ toàn trị muốn lấp hết các lỗ hổng đó. Nếu đừng hở ra cái gì cả, thì sẽ không sợ bị ai lật đổ - phải không nào?
Nhưng lịch sử đã chứng minh chế độ toàn trị không thể bịt được hết các lỗ. Mà càng toàn trị thì sinh hoạt kinh tế - vốn không tuân theo nhà nước nào mà chỉ tuân theo luật cung-cầu nay khác mai khác - lại càng yếu kém.
Lực lượng cảnh sát cơ động bủa ra canh chừng đoàn biểu tình ngày 16 tại Hà Nội. (Hình AP/Chitose Suzuki)
Sự thất bại của kinh tế khiến Liên Xô không thể duy trì cuộc chạy đua vũ trang với Mỹ; cuộc thí nghiệm hỏng bét của Đại Nhảy Vọt tại Trung Quốc; và sức ép phải “đổi mới” kinh tế tại Việt Nam. Tất cả những chuyện đó không phải trùng hợp tình cờ, mà là bắt buộc kinh tế không thể phát triển nổi trong một chế độ toàn trị.
Sau đổi mới, Việt Nam biến thành một chế độ toàn trị nửa vời: Toàn trị hết tất cả các thứ, trừ kinh tế. Bắt buộc phải đổi mới kinh tế thôi. Không đổi mới là mất chế độ.
Nhưng rồi Việt Nam đã không thể tách rời hoàn toàn kinh tế (đổi mới) với các thứ khác (không đổi mới). Chế độ tự do trong kinh tế đã đem đến thông tin mới, khái niệm mới, tư duy mới cho người dân. Cả trong chính trị và tư tưởng, Việt Nam đã phải thay đổi (nhiều hay ít thì tùy người quan sát).
Trong hơn 40 năm, bộ máy tuyên truyền và giáo dục của Việt Nam từng lập đi lập lại khẩu hiệu “yêu nước là yêu chủ nghĩa xã hội.” Khẩu hiệu này giờ đây đã hiếm thấy. Ðó là một tiến bộ.
Nhưng trong tiềm thức, nhà nước Việt Nam vẫn cần phải giữ lại khái niệm “yêu nước là yêu chủ nghĩa xã hội.” Vì nếu không, thì hở ra cái yêu nước là cái yêu nước sẽ trở thành nguy cơ. Đã bảo rồi - trong chế độ độc tài (dù tả hay hữu), cái gì hở ra là cái đó thành mầm mống cách mạng.
Chính vì vậy, nếu nước ngoài hay cộng đồng hải ngoại chỉ trích gì chính quyền trong nước, là báo chí nhất loạt gọi đó là “bêu xấu Việt Nam” - tiếp tục đồng hóa đất nước với chế độ. Biết không thể công khai đòi hỏi “yêu nước là yêu chủ nghĩa xã hội” được, bộ máy tuyên truyền chuyển qua mệnh đề tương đương về logic và do đó cũng sai không kém: “Chống chủ nghĩa xã hội là chống tổ quốc.”
Chính nhu cầu toàn trị trong tất cả mọi thứ trừ kinh tế, dẫn đến việc bủa vây và ngăn chặn người biểu tình chống Trung Quốc. Câu nói bâng quơ của người công an bắt giữ nhà văn Trang Hạ, thoạt nghe thì có thể vớ vẩn, nhưng thực ra là rất chính xác. Viên công an đó muốn bắt Trang Hạ không được tham gia biểu tình, và bảo thế này:
“Nói chung là không tham gia vào tất cả những cái gì liên quan đến Trường Sa Hoàng Sa. Bao giờ chính phủ tổ chức và mời chị thì chị mới được đi biểu tình.”
Câu nói này cực kỳ chính xác: Yêu nước mà không theo kiểu của chế độ, là một lỗ hổng không thể chấp nhận được. Yêu nước cũng phải xin phép, cũng phải chỉ đạo, cũng phải theo lề bên phải, vì nếu không thì cả chế độ sẽ lâm nguy.
Cho nên, rốt cuộc, cái thâm của Tần Cương là ở chỗ đó. Khi đòi hỏi Việt Nam phải “có các biện pháp hiệu quả nhằm ngăn chặn” vụ biểu tình, người phát ngôn Bộ Ngoại Giao Trung Quốc đã làm một hành vi rất điếm.
Như trò chơi trẻ con vậy. Ðứa bé đến trạm xe buýt gần nhà thì xuống, bạn bè liền đùa, “Tao ra lệnh cho mày phải xuống xe buýt.” Hay một cầu thủ đá banh rất giỏi, khi sút vào gôn thì khán giả giỡn, “Tao ra lệnh cho mày phải sút vào gôn.” Hay học trò bị cô giáo gọi lên trả bài, bạn bè giễu, “Tao ra lệnh cho mày phải trả lời cô giáo.” Tất nhiên, nếu đứa bạn có sẵn bè phái hoặc to lớn mạnh khỏe, sẽ không sợ đứa học trò tới giờ ra chơi đánh cho dập mũi.
Tần Cương cũng vậy, thừa biết là nhà nước Việt Nam sẽ phải dẹp các cuộc biểu tình, không phải vì Tần Cương bảo vậy, nhưng là vì sự sống còn của chính nhà nước Việt Nam. Ðục nước thả câu, và lợi dụng sức mạnh của đảng Cộng Sản Trung Quốc, Tần Cương phát ngôn những câu thật xấc xược, để làm le với thế giới, và nhất là với Mỹ, rằng Trung Quốc nắm cái thóp của nhà cầm quyền Việt Nam và có thể bóp bất cứ lúc nào.

(Entry hôm qua và entry hôm nay, tớ đã gom lại làm một và viết thành bài dài đăng báo.)

Những công dân toàn cầu bị kẹt đạn ở hẻm 47



Trích "Tuyển tập Tiền Vệ" - bản gốc
ở đây
Nguyễn Quốc Chánh

Chúng tôi là những công dân toàn cầu, bởi đứa nào cũng có tóc, răng, một vài đứa còn bày trò nuôi râu, bày đặt trọc đầu và hầu hết đều lủng lẳng điện thoại. Chúng tôi cực kỳ thính mũi, nhất là đánh hơi các loại mùi thúi. Chúng tôi hả hê với chữ Being lắm, vì nó là ngôn ngữ 13 Cách Của Con Chim Đen. Chúng tôi hãnh diện với chữ Trảm vô cùng, vì nó là ngôn ngữ của Tam Quốc Chí. Nhưng chúng tôi cực kỳ hổ thẹn với chữ Bác âm ỉ, vì nó là ngôn ngữ Chí Phèo. Tất nhiên là chúng tôi đọc như điên, ăn qua loa, uống triền miên và mần tình rất ít. Chúng tôi biết không chỉ nghĩa thẳng, chéo, mà cả nghĩa lắt léo của những cụm từ. Chẳng hạn Sài Gòn, nghĩa thẳng là Sài Gòn. Nghĩa chéo không có. Nghĩa lắt léo của Sài Gòn là Hồ Chí Minh city. Ngoài ra chúng tôi còn biết vắt dòng, nói ngọng, nhại giọng, móc hầu, giải cấu và chuyên nghiệp lông bông. Vì thế mà những thứ đáng lẽ vứt thì chúng tôi nhét cả vào đầu. Chúng tôi tuyệt đối trung thành với câu: năng nhặt chặt bị. Chúng tôi mất dần khả năng phân biệt thứ gì rác, thứ gì có thể tái chế, nhưng chúng tôi biết chính xác John Cage chết năm 1992, Susan Sontag tóc đen và dày, Nguyễn Cao Kỳ về Sài Gòn được/bị cảnh sát hộ tống vô khách sạn, Nhất Hạnh ghé chùa Già Lam được/bị Tuệ Sỹ bỗng dưng đến kỳ nhập thất. Chúng tôi luôn nâng cấp đạo đức bằng cách thường xuyên truy cập internet, ngoài Tiền vệ, Talawas là những trang web sex. Thỉnh thoảng chúng tôi cũng hớn hở ra ngoài. Xa nhất là New York và gần nhất là Angkor. Ở New York chúng tôi thèm phở và nhớ làng Vũ Đại, ở Angkor chúng tôi thèm thịt chó và nhớ hẻm 47. Chúng tôi đầu thai là để thèm và nhớ. Kiếp này thèm toàn cầu và nhớ một nơi chốn, một lỗ chân trâu. Con hẻm rộng và cụt (chứ không phải hẹp và sâu) dẫn vào nội thất mãn kinh của bà chúa gắt gỏng. Mỗi khi bà chúa xẹt qua là vang vọng trong đầu lời ca: đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt. Tuy chúng tôi đều có Honda, Yamaha và cả những chiếc Buýt. Chúng tôi đỡ mỏi chân hơn tiền nhân hay giang hồ lê lết, nhưng chúng tôi đều đã hoa mắt, tê chân. Chắc vì chúng tôi là những công dân bị/phải toàn cầu. Mặc dù chúng tôi có tóc, răng và râu, nhưng trong đầu không đủ phép biện chứng, nên cặc dái dù có săn và cứng cũng không tới đâu. Khi có tiếng nổ thì đừng tưởng ở đây có khủng bố. Chúng tôi chỉ xớ rớ và bị cướp cò.