Thursday, December 29, 2005

Doc theo con duong di san mien Trung (ky 2)



Dọc theo Con đường di sản miền Trung (kỳ 2)
21:54:00, 06/12/2005


Phố cổ Hội An
Hội An - Lịch lãm và quyến rũ


Hội An, theo quan niệm của người xưa là nơi hội tụ của sự yên vui, may mắn. Còn bây giờ, cùng với những phẩm chất đã có, Hội An còn là Di sản văn hóa thế giới với đầy đủ ba yếu tố cơ bản nhất: thiên thời, địa lợi, nhân hòa.
Nằm trên Con đường di sản miền Trung, đô thị cổ này cách Thánh địa Mỹ Sơn chừng 55 km, cách thành phố cảng Đà Nẵng, sân bay quốc tế Đà Nẵng chưa đầy 30 km, cách cố đô Huế trên 100 km. Cổ xưa mà quyến rũ, lặng lẽ mà giàu sức vươn tới tương lai, càng khám phá càng thấy Hội An là viên ngọc quý không dễ tìm ở nơi khác.
Thương cảng xưa và những ngôi nhà gỗ trăm tuổi
Hội An có bề dày lịch sử - văn hóa trên 3.000 năm tính từ thời tiền - sơ sử (nằm trong phức hệ văn hóa tiền Sa Huỳnh, Sa Huỳnh ở miền Trung), tiếp nối bởi thời kỳ văn hóa Chăm-pa và Đại Việt cho đến ngày nay. Từ cuối thế kỷ 16 đến đầu thế kỷ 19, Hội An vươn lên thành đô thị thương cảng nổi tiếng của Việt Nam và khu vực với nhiều tên gọi khác nhau như FaiFo, HaiFo, Hoài Phố, Hội An. Cùng với cư dân bản địa, người Hoa và người Nhật buôn bán và sinh cơ lập nghiệp ở đây, hình thành phố người Hoa và phố người Nhật. Bên cạnh đó, còn có rất nhiều tàu thuyền của Bồ Đào Nha (từ Macao đến), Tây Ban Nha, Hà Lan, Pháp, Anh, Ấn Độ. Một thương gia gốc Hoa ở đây tự giới thiệu về mình: "Vốn nghề thương mại sanh nhai; Gia tư cũng có một vài mươi muôn". "Muôn" là vạn, một vài mươi vạn ngày đó hơn cả tỉ phú bây giờ. Trong tấm bằng của UNESCO công nhận Hội An là Di sản văn hóa thế giới vào tháng 12/1999 có ghi 2 tiêu chí quan trọng, tiêu chí II: "Hội An là biểu hiện vật thể nổi bật của sự kết hợp các nền văn hóa qua các thời kỳ trong một thương cảng quốc tế" và tiêu chí V: "Điển hình tiêu biểu về một cảng thị châu Á truyền thống được bảo tồn một cách hoàn hảo".
Đến Hội An hôm nay, du khách không thể không đến thăm khu phố cổ, thăm Hội quán Phúc Kiến, Hội quán Triều Châu, Lai Viễn Kiều (chùa Cầu, cầu Nhật Bản), nhà cổ Tấn Ký, miếu Quan Công, các ngôi đình Cẩm Phô, Sơn Phong, Đế Võng; các làng nghề thủ công mỹ nghệ, các ngôi chùa: Quan Âm, Chúc Thánh, Phúc Lâm, Vạn Đức, Viên Giác; khu mộ thứ phi Quang Trung và các tướng Tây Sơn, nhà cổ Phùng Hưng và cả ngàn nhà gỗ cổ. Trong tổng số hơn 1.360 di tích, danh thắng ở Hội An, có 1.270 di tích kiến trúc nghệ thuật và phần lớn được làm bằng gỗ có người dân sinh sống trong đó. Đến Hội An, còn phải tìm hiểu, thưởng thức những sản vật dân dã từ đậu hũ, bánh tráng gạo, bánh tráng đập, bánh ú tro, mì Quảng đến các món nhập từ bên ngoài như cao lầu, quai vạc, hoành thánh, chí mà phù, lục tào xá...
Ở Hội An, sự giao thoa, kết hợp giữa xưa và nay, Đông và Tây, dân bản địa và khách bên ngoài đã, đang và sẽ viết thêm những trang mới lạ, hấp dẫn.
Mười năm phố Hội thức dậy
Cái "tiền đặc khu kinh tế" một thời ấy tưởng đã ngủ quên, mai một theo sự dâu bể của đời người, của vạn vật, của sự bồi lắng sông Chợ Củi, sông Trường Giang, Cửa Đại. Thạc sĩ Trần Ánh - Giám đốc Trung tâm quản lý bảo tồn di tích Hội An cho biết, ngày đó, nhiều người cho rằng phố cổ nên dùng cho người già ở, là "phố dưỡng già". Mãi đến đầu thập niên 90 của thế kỷ 20, người Hội An mới thấy có một viên ngọc rất quý hiếm đang nằm trong tay mình.
Với sự giúp đỡ của các cơ quan trung ương, của tỉnh, thị xã tổ chức hai cuộc hội thảo quốc tế về phố Hội. Đó là hai tiếng chuông báo thức, hai tiếng chuông mời gọi khách gần xa. Hội An làm du lịch từ một nền kinh tế nhiều chục năm lấy lĩnh vực ngư - nông là chính, thứ đến là tiểu thủ công nghiệp và bị câu thúc bởi gần 6.000 lao động thiếu việc làm do mất thị trường truyền thống. Năm 1991, thị xã thành lập Công ty ăn uống, phục vụ du lịch ("ăn uống" nổi hơn là "du lịch"!), chủ yếu đón khách nội địa ghé qua. Công ty có một nhà khách nhỏ, chỉ 8 phòng "lộng gió". Tiếp đó, Đảng bộ và HĐND thị xã ra nghị quyết phát triển du lịch - dịch vụ. Cuối năm 1993, thị xã đầu tư cho Công ty ăn uống, phục vụ du lịch 500 triệu đồng để nâng cấp tòa nhà của tỉnh trưởng Quảng Nam cũ thành khách sạn. Đến các năm 1995, 1996, 1997, du lịch Hội An thực sự có hình hài, có bước đi. Thị xã có thêm hơn 20 khách sạn, nhà nghỉ với 400 phòng. Việc tu bổ các di tích, khu phố cổ, tạo lập cảnh quan sạch đẹp, trong lành, xây dựng nếp sống văn hóa được các cấp lãnh đạo và người dân quan tâm hơn. Việc tuyên truyền quảng bá về phố Hội, về du lịch Hội An; tham gia các hội chợ, triển lãm; mời gọi, đưa đón khách được tăng cường và đi dần vào chất lượng. Các quầy hàng, xưởng thủ công mỹ nghệ, tiệm vải, tiệm may nhanh, quán ăn uống, giải khát, nhà bảo tàng lịch sử - văn hóa, phòng biểu diễn nghệ thuật dân tộc được quy hoạch gắn với các khu phố, các tuyến tham quan của khách. Có thêm nhiều dự án đầu tư trong nước, nước ngoài vào lĩnh vực du lịch - dịch vụ.
Sau 10 năm khởi động và phát triển, đến nay Hội An có gần một trăm khách sạn với trên 3.000 phòng, có cả khách sạn 4 sao, 3 sao, 2 sao. Mỗi năm thị xã đón trên 500.000 lượt khách, hơn một nửa là người nước ngoài, có khoảng 300.000 lượt khách lưu trú, số ngày lưu trú bình quân trên 2 ngày. Tính ra một người dân phố Hội mỗi năm đón trên 6 lượt khách du lịch. Tỷ trọng du lịch - dịch vụ từ chỗ rất bé nhỏ, đến nay đã lên tới trên 60% tổng giá trị sản xuất. Tốc độ tăng trưởng GDP mấy năm gần đây đạt bình quân 15 -20%/năm. Năm 2004, giá trị sản xuất toàn ngành du lịch - dịch vụ - thương mại đạt gần 860 tỉ đồng; tổng kim ngạch xuất khẩu đạt gần 14 triệu USD, tổng thu ngân sách 160 tỉ đồng. Chỉ tính tiền thu từ bán vé cho khách tham quan, năm 1993 chưa đầy 100 triệu đồng, nay đã lên trên 10 tỉ đồng /năm.
Bên cạnh bước tiến dài về kinh tế, Hội An cũng tạo được sức vươn mạnh mẽ về văn hóa - xã hội. Đến nay, phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư thị xã đạt kết quả đáng mừng. Nhiều phường, xã đạt danh hiệu phường văn hóa, 90% gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa, thị xã đã hoàn thành phổ cập trung học cơ sở. Cả thị xã hơn 8 vạn dân mà chỉ có 7 người nghiện ma túy, hầu như không có tệ nạn mãi dâm, không có người ăn xin, các đối tượng xã hội được tập trung nuôi dưỡng, quản lý. 10 năm liền Hội An không để xảy ra trọng án giết người, cướp của. Các đối tượng trộm cắp nếu lọt vào địa bàn sẽ bị nhân dân hoặc các lực lượng chức năng sớm phát hiện và xử lý.
(còn tiếp)


Nguyễn Thế Kỷ

No comments: