Thursday, December 29, 2005
Dọc theo Con đường di sản miền Trung - Kỳ 3:
Huế - kinh thành xưa và đô thị du lịch hôm nay
22:15:47, 07/12/2005
Lăng Khải Định - ảnh: Đào Hoa Nữ Cũng gần giống như tỉnh Quảng Nam, thành phố Huế được UNESCO công nhận 2 danh hiệu cao quý: Di sản văn hóa thế giới cho quần thể di tích cố đô Huế và Kiệt tác di sản văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại cho nhã nhạc, âm nhạc cung đình triều Nguyễn. Đến Huế là đến với những trang sử bi hùng một thời của dân tộc; xem các lăng tẩm, đền đài, cung điện đã rêu phong mấy lớp; nghe người dân cố đô nói về chuyện hôm qua và dịu dàng, quả quyết trong bước đi hôm nay.
1. Lối xưa, hồn cũ
Làng Phú Xuân nằm bên dòng Hương mơ mộng. Một ngày của năm Đinh Mão 1687, làng được vị chúa thứ năm của nhà Nguyễn là Nguyễn Phúc Trăn, thường gọi là Chúa Nghĩa chọn làm đất thần kinh. Hơn 60 năm sau, Chúa Nguyễn Phúc Khoái, để thoát khỏi "mệnh trời" qua câu sấm ký "bát đại thời hoàn Trung đô" (sau tám đời phải trở lại Trung đô, tức kinh thành Thăng Long) đã xưng vương (Vũ Vương) và tập trung xây dựng Phú Xuân thành kinh đô thực sự. Sách Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn viết: "Dựng thêm 2 điện Kim Hoa, Quang Hoa có các nhà Tựu Lạc, Chính Quan, Trung Hòa, Di Nhiên" và nhiều đài, các, đình, hiên, am, công đường, trường học, trường súng. Sách viết tiếp: "Ở thượng lưu về bờ nam có phủ Dương Xuân và phủ Cam, ở trên nữa có phủ Tập Thượng, lại dựng điện Tường Lạc, hiên Duyệt Võ, mái lớn nguy nga, đài cao rực rỡ...". Trải qua 18 đời vua, chúa với 258 năm, đến ngày 30.8.1945, trước cửa Ngọ môn với 5 vạn người dân Huế, Bảo Đại - ông vua cuối cùng của các triều đại phong kiến Việt Nam tuyên bố thoái vị. Huế trở về trong vòng tay của cả nước, của chính thể dân chủ, cộng hòa. Huế trở thành cố đô. Nhờ mồ hôi, máu, nước mắt và sự sáng tạo của nhân dân, quần thể kiến trúc thời nhà Nguyễn, một số khu phố Tây, các đền chùa, các khu nhà vườn tạo cho Huế một diện mạo khó lẫn với nơi khác. Cái "mây gió hiu hiu, chiều lặng lặng" của Huế đã mê đắm muôn vàn du khách.
Ông Phạm Khắc Hòe trong hồi ký Từ triều đình Huế đến chiến khu Việt Bắc kể lại: trong ngày 19.8.1945, Bảo Đại mấy lần hỏi, ông Hồ Chí Minh có liên quan gì đến Nguyễn Ái Quốc không? Ông Hòe chưa biết rõ nhưng có nhắc lại câu sấm ký mà dân gian cho là của cụ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm "Đụn Sơn phân giải, Bò Đái thất thanh, Nam Đàn sinh thánh". Thánh đó là ai? Ở Nam Đàn vào cuối thế kỷ 19, chỉ có thể là một trong hai con người kiệt xuất- Phan Bội Châu hoặc Nguyễn Ái Quốc. Nếu đúng như vậy, cụ Trạng Trình vừa là người bày vẽ cho vị chúa đầu tiên của nhà Nguyễn chọn đất nương thân, dựng nghiệp lớn, lại vừa là người báo hiệu cho sự kết thúc của chính danh gia vọng tộc này.
2. Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển
Đó là chủ đề của Festival Huế được tổ chức vào đầu tháng 6 năm 2004. Đó cũng là phương châm để 10 năm qua Huế vươn lên trong công cuộc bảo tồn, tôn tạo, phát huy các giá trị văn hóa của cha ông vào cuộc sống hiện tại.
Nói về di sản Huế, phải kể đến thời xa xưa khi vùng đất này còn thuộc vương quốc Chăm-pa, đặc biệt là thời vua chúa triều Nguyễn; thời oanh liệt của Nguyễn Huệ - Quang Trung; thời kỳ đấu tranh chống Pháp, chống Mỹ của các tầng lớp nhân dân Huế. Và Huế cũng là mảnh đất lưu giữ những kỷ niệm về Phan Bội Châu - ông già Bến Ngự, về gia đình Chủ tịch Hồ Chí Minh thuở thiếu thời, về nhiều danh nhân văn hóa và cách mạng cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20.
Quần thể kiến trúc thời Nguyễn bố trí chủ yếu ở hai bờ sông Hương được xây dựng, phát triển gần một thế kỷ rưỡi (1802 - 1945). Cuối thế kỷ 19, khu vực bờ nam sông Hương hình thành thêm các khu phố Tây với kiến trúc vừa hiện đại, vừa hài hòa với cảnh quan chung của Huế. Tính đến nay, toàn thành phố có 373 di tích văn hóa các loại, trong đó có 26 di tích được Bộ Văn hóa - Thông tin cấp bằng quốc gia, 56 di tích được UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế ra quyết định bảo vệ đợt I, một số di tích khác sắp được công nhận và bảo vệ đợt II.
Di sản văn hóa Huế, qua giao lưu, hội nhập, đặc biệt là qua các kỳ Festival đã được du khách nhiều nước biết và tìm đến. Một số tổ chức quốc tế như UNESCO, quỹ Toyota, AIF, vùng Nord Pas de colais của Pháp đã có những giúp đỡ thiết thực và hiệu quả.
3. Đô thị du lịch
Năm 1992, Huế tổ chức thành công liên hoan văn hóa Việt - Pháp, tạo sự chú ý của du khách bên ngoài về một cố đô nước Việt nhiều ấn tượng. Đó cũng là viên gạch đầu tiên để 8 năm sau, Huế nâng hoạt động này lên thành Festival.
Ngọ môn Huế - ảnh: Đào Hoa NữNgày 11.12.1993, Ủy ban Di sản thế giới của UNESCO công nhận quần thể di tích cố đô Huế là di sản thế giới. 10 năm sau, nhã nhạc cung đình Huế được tổ chức danh giá này công nhận là kiệt tác di sản văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại. Trong 10 năm ấy, tầm vóc của đô thị du lịch Huế cũng được khẳng định, nâng cao. Năm 1993, khách du lịch đến Huế là 243.000 lượt người, trong đó có 94.000 lượt khách nước ngoài. Năm 1994, con số này (cả trong nước và nước ngoài) tăng gấp đôi. Năm 2000, với việc tổ chức Festival Huế lần đầu tiên, thành phố đón 910.000 lượt khách, trong đó có 304.519 lượt khách quốc tế. Năm 2002, Festival Huế lần thứ 2, thành phố đón 1.335.337 lượt khách, hơn 1/3 trong đó là khách quốc tế. Số liệu thống kê hơn 10 năm qua: Huế đã thu hút gần 10 triệu lượt khách (có trên 2,5 triệu lượt khách quốc tế), đạt doanh thu gần 200 tỉ đồng. Chỉ tiêng tiền bán vé cho du khách, mỗi năm thu về từ 35 - 40 tỉ đồng. Nếu như cơ cấu kinh tế của tỉnh Thừa Thiên - Huế là công nghiệp - du lịch, dịch vụ - nông, lâm, ngư nghiệp thì cơ cấu này của thành phố Huế là thương mại - dịch vụ - du lịch. Huế đã và đang thực hiện phương châm "nhà nước và nhân dân cùng làm" trong bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị các di tích, danh thắng; xã hội hóa mạnh mẽ hoạt động du lịch, dịch vụ; có cơ chế, chính sách tốt, cởi mở hơn để các tầng lớp nhân dân đóng góp trí tuệ, trách nhiệm, vốn liếng, công sức cho lĩnh vực này.
Đến với Huế là đến với lối xưa, hồn cũ; với núi Ngự sông Hương hùng vĩ nên thơ; với thành phố của cây xanh, nhà vườn; đến với sự bình yên, thanh thản, dịu dàng. Và khi xa Huế, du khách không chỉ mang theo niềm vui thích, sự quyến luyến mà còn có cả những quà lưu niệm của Huế, rất Huế. Đó là các hàng thủ công mỹ nghệ từ các làng nghề truyền thống (32 cơ sở thuộc 8 ngành nghề). Phù điêu Festival khảm xương, đĩa sơn mài có hình Ngọ môn; mô hình chùa Thiên Mụ, Đại Nội, Cửu Đỉnh, sông Hương, cầu Tràng Tiền; đèn lồng và trống các loại; tượng gỗ Bát Tiên song long, Long Mã bay, thiên thần có cánh, Tố Nữ đàn, chọi trâu, đánh vật... Để làm được điều này, tỉnh và thành phố chú trọng đến công tác tuyên truyền, quảng bá về quê hương mình, về các tiềm năng, thế mạnh; vận động, giáo dục người dân về xây dựng nếp sống văn hóa, nhất là lời ăn, tiếng nói, nếp ứng xử với khách du lịch. Người dân được tạo điều kiện tốt nhất để làm ăn, buôn bán, dịch vụ nhưng không được đeo bám, chèo kéo, lừa gạt, ép giá đối với khách.
Với những gì đã có, đã làm được, Huế đang vươn lên trở thành đô thị du lịch, đô thị Festival đặc sắc và hấp dẫn không chỉ của Việt Nam mà của cả khu vực Đông Nam Á.
Nguyễn Thế Kỷ
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment