Thursday, January 03, 2008

Đặt câu hỏi: Tại sao nhà nước cấm biểu tình HS-TS?




(Hình: Người Việt)
Trước cảnh nhà nước Việt Nam ngăn chặn và cấm đoán, thậm chí bằng bạo lực, không cho người dân tuần hành biểu lộ lòng yêu nước và khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, người dân đã có nhiều phản ứng - từ ngạc nhiên, hoang mang, tới tức giận, chống đối. Và tất nhiên là có phản ứng đồng ý, chấp thuận, cho việc làm của nhà nước là đúng.
Nhưng trong tất cả các phản ứng đó, không ai đặt câu hỏi - là “tại sao?” (Bạn nào bảo tớ là “đồ hậu-hiện-đại quá khích” thì tớ đành nhận thôi. Tớ cứ hay thích hỏi tại sao.)
Tại sao nhà nước (nói chung cho giới cầm quyền quốc gia, gồm cả Trung ương Đảng và các cơ quan đầu não như thế) lại phải phản ứng như vậy?
Ngoài mặt, lý do họ đưa ra là để tránh cho thanh niên không bị các phần tử xấu kích động. “Phần tử xấu” này có lúc chỉ nói chung chung, lại có lúc nói cụ thể là nhóm này nhóm kia, trong đó có: “hải ngoại kích động”, Việt Tân, khối 8406, Nguyễn Tiến Trung, Tập Hợp Thanh Niên Dân Chủ, diễn đàn X-cafe, và thậm chí còn gộp chung “một số trang blog trên Yahoo 360.”
Nhưng đó là lý đo đưa ra ngoài mặt. Trên thực tế thì tất cả những nhóm trên đều bị vô hiệu hóa ngay từ đầu. Hai luật sư Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân đã nằm tù. Nguyễn Tiến Trung bị quan chức địa phương, gồm cả ủy ban, Ðảng ủy, công an, đến nhà từ tối hôm trước áp lực phải ở nhà không được đi biểu tình. Luật sư Lê Quốc Quân bị quản thúc, còn em luật sư đi tham gia biểu tình thì sau đó bị bắt.
Bác sĩ Phạm Hồng Sơn mang bảng “Đừng coi thường người Việt Nam” tham gia biểu tình thì bị một nhóm thanh niên (theo lời kể của một người trong nhóm này) “đè ra, giật biểu ngữ và đẩy ra một xó ... chửi ... hấp diêm tàn bạo. Mấy chú thường phục đi gần em đã chụp ảnh và cười tủm tỉm rồi ạ!” Sau này, họ giải thích rằng tuy họ dùng những chữ như “đè” và “hấp diêm” thực ra họ chỉ nói chuyện ôn hòa. Nhưng dù nhóm thanh niên này đã làm hay không làm gì đi nữa, thì kết quả là bác sĩ Phạm Hồng Sơn cũng không được tham gia biểu tình, bảng hiệu bị giật xé, và “mấy chú thường phục” đã an tâm và hài lòng.
Còn “một số trang blog trên Yahoo 360” thì ai cũng biết, và chắc hẳn nhà nước cũng biết, là bọn đó chả có chút thực lực nào. (*) Ngay cả “hải ngoại kích động” thì nhà nước cũng biết là không đi đến đâu. Như một cuộc thăm dò trên Người Việt Online cho thấy, 42% người trả lời không chấp nhận việc hành động chung giữa cờ vàng hải ngoại và những lá cờ đỏ của các thanh niên biểu tình trong tầm ngắm của lực lượng công quyền vũ trang đến tận răng.
Hí họa Ba Bui, đăng trên báo Người Việt.
Nói cách khác, nhà nước thực sự không sợ gì có sự kích động. Có đứa nào kích động được thì nhà nước đã tóm nó rồi. Đứa nào trong lúc biểu tình thấy có vẻ biểu hiện cái mà người Mỹ gọi là leadership quality (như nhạc sĩ Tuấn Khanh, chị Hồ Lan Hương), nhà nước cũng cho an ninh tới quản thúc tại nhà luôn.
Vậy việc gì mà phải cấm?
Một số blogger thì cho là nhà nước cấm vì Anh Cả bảo thế. Vì phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc Tần Cương sau kỳ biểu tình đầu tiên ngày 9 tháng 12 đã đòi hỏi phía Việt Nam “có các biện pháp hiệu quả nhằm ngăn chặn” vụ biểu tình.
Nhưng cũng không hẳn. Cuộc biểu tình đã từng bị cản ngăn ngày từ trước khi Trung Quốc nói lời nào. Từ trước cuộc biểu tình ngày 9, đã có những tin nhắn qua internet kêu gọi đừng đi biểu tình. Một công văn của một trường đại học tại Hà Nội, ký ngày 7 tháng 12, yêu cầu “Cán bộ, sinh viên, học viên cao học trong trường thực hiện đúng chủ trương của Ðảng và nhà nước đối với sự kiện này để tránh bị kích động, lôi kéo thực hiện những hành động đi ngược chủ trương trên”.
Hơn nữa, nếu chỉ muốn ngăn chặn để bày hàng với Anh Cả Trung Quốc, một số hành vi mà Trung Quốc không biết đến (tức là không trách gì mình được) đã không cần ngăn chặn. Nhà văn Trang Hạ đã bị bắt giữ tại đồn công an gần 12 tiếng đồng hồ chỉ vì dán đề can “Hoàng Sa Trường Sa là của Việt Nam”. Đây là lời lập lại gần như nguyên văn lời của phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam -- nếu ngại Trung Quốc, Lê Dũng đã không nói thế.
Ông Lê Dũng nói (cho Trung Quốc nghe) thì được, mà nhà văn Trang Hạ nói (chưa chắc Trung Quốc đã nghe) thì lại không được. Câu trả lời “vì sợ Trung Quốc” không lý giải được vụ này.
Những hành vi tác động tuyên truyền, như đưa các bác lão thành cách mạng tới thuyết phục nhạc sĩ Tô Hải đừng đụng đến Hoàng Sa - Trường Sa nữa, là gây phản cảm một cách không cần thiết, nếu mục đích chỉ là làm vừa lòng Trung Quốc.
Vậy bảo nhà nước cấm vì sợ Trung Quốc thì không ổn.
Nếu vậy, điều nào giải thích cho hiện tượng nhà nước buộc nhà văn Trang Hạ phải “ngồi đợi giấy mời yêu nước” - cho rằng chị Hồ Lan Hương “yêu nước là có tội” - khiến nhạc sĩ Tô Hải bất bình “Tại sao lại bắt người yêu nước” - và làm cho Dino có cảm tưởng “mặc áo cờ Tổ Quốc mà như một tội phạm”?
Nếu không phải vì sợ bọn kích động (*) hay sợ Anh Cả TQ, thì tại sao? Tại sao? Tại sao?
Hôm nay tớ đặt câu hỏi. Ngày mai tớ trả lời. Ai biết cứ tự do trả lời trước.
(*) Chuyện rằng một hôm Tổng bí thư Stalin định làm cái gì đó, người ta cố vấn bác đừng làm thế vì sợ bị Đức Giáo Hoàng phản đối. Stalin cười khểnh, “Giáo Hoàng à? Ông ấy có bao nhiêu sư đoàn?”

No comments: